1. Điện lượng (Ah)
Điện lượng (đơn vị tính: Ah - đọc là Ampe giờ) là thông số cho biết khả năng lưu trữ điện năng của ắc quy được tính bằng công thức Ampe (A) x Giờ (h), là tích số giữa dòng điện phóng với thời gian phóng điện.
Ví dụ: Bình ắc quy GS 12V 200AH N200 có điện lượng 200 AH sau khi được nạp đầy có thể phóng được dòng điện có 20A trong 10 giờ liên tục hoặc dòng 10A trong 20h cho đến khi điện áp giảm xuống gưới 10,5V.
>> Lời khuyên từ G7Auto: Đây là thông số rất quan trọng để bạn lựa chọn ắc quy có điện lượng phù hợp với mức độ tiêu thụ của ô tô cũng như các phụ tải trên xe. Nếu chọn phải ắc quy có điện lượng quá thấp sẽ không đủ để cấp điện cho ô tô, tuy nhiên không phải điện điện lượng cứ cao là tốt mà phải phù hợp với bộ phát điện. Trong trường hợp bộ phát điện không thế đáp ứng được điện lượng đó, ắc quy sẽ luôn trong tình trạng không được sạc đầy, gây ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ sử dụng.
2. Điện áp và điện áp ngắt (V)
Điện áp (đơn vị tính: Volt - đọc là Vôn) là thông số cho biết hiệu điện thế giữa hai cực của ắc quy. Thông thường điện áp ắc quy ô tô là 12V.
Điện áp ngắt là gì?
Điện áp ngắt là mức tối thiểu để ắc quy phóng điện. Ở dưới mức này nếu tiếp tục phát điện, tuổi thọ của ắc quy sẽ bị giảm hoặc có thể gây hỏng ắc quy toàn bộ.
Điện áp ắc quy được quy định bởi nhà sản xuất và phụ thuộc vào dòng phóng. Ví dụ cell nhân 6 có điện áp ngắt mỗi cell là 1,8V thì điện áp ngắt của ắc quy sẽ là 1,8 x 6 = 10,8 V. Đây là mức điện áp ngắt thấp nhất theo khuyến cáo của các nhà sản xuất ắc quy.
Theo nghiên cứu của SolarV Vũ Phong, nếu xả ắc quy 100% đến mức 10,8V theo tiêu chuẩn thì dung lượng ắc quy sẽ giảm xuống dưới 60% sau 250 chu kỳ nạp xả, tức là không tới 1 năm sử dụng. Con số này sẽ nâng lên 500 chu kỳ nếu xả tới 50% rồi nạp lại,. Trong trường hợp chỉ xả 30% rồi nạp lại thì sau hơn 1300 chu kỳ, dung lượng ắc quy mới giảm dưới 60%, dùng lâu hơn gấp 5 lần so với ban đầu.
>> Lời khuyên từ G7Auto: Nên chú ý điện áp ngắt của ắc quy ô tô, hạn chế không nên để ắc quy tiếp tục phóng điện nếu điện áp đã giảm xuống mức này. Không nên đợi ắc quy xả sâu quá mới đi nạp lại mà hãy nạp khi điện áp ắc quy còn cao. Như vậy bạn có thể duy trì sử dụng được ắc quy lâu dài và cũng tiết kiệm được cho ví tiền của mình nữa.
3. Dòng khởi động CA: CCA và HCA (A)
Dòng khởi động Cranking Amps, viết tắt là CA (đơn vị tính: Ampe) là cường độ dòng điện mà ắc quy cung cấp trong vòng 30 giây tại nhiệt độ 0 độ C trước khi điện áp xuống dưới mức có thể sử dụng được.
Dòng khởi động có 2 loại là CCA (dòng khởi động lạnh, đo ở -17,78°C) và HCA (dòng khởi động nóng, đo ở 26,7°C ). HCA ít được sử dụng nữa mà thay vào đó người ta dùng phổ biến CCA hơn.
CCA là chỉ số rất được quan tâm đối với các xe chạy ở vùng khí hậu lạnh bởi dầu nhớt bị đông đặc, và nhiệt độ xuống thấp gây khó khăn cho phản ứng hóa học trong ắc quy khiến việc khởi động xe bị ảnh hưởng. Do đó, các tài xế ở vùng này sẽ đòi hỏi ắc quy phải có CCA cao.
>> Lời khuyên từ G7Auto: Nếu xe của bạn khởi động khó khăn hơn vào mùa lạnh thì hãy cân nhắc chọn loại ắc quy có chỉ số CCA cao một chút. CCA càng cao, năng lượng ắc quy cung cấp càng nhiều, ô tô khởi động càng dễ dàng.CCA là thông số quan trọng nhất của ắc quy khởi động.
4. Dung lượng dự trữ RC (phút)
Dung lượng dự trữ thể hiện lượng điện ắc quy có thể dự trữ để chạy các phụ tải điện khi hệ thống cấp điện gặp sự cố. RC được đo bằng số phút mà một ắc quy đã sạc đầy ở 26,7°C có thể cung cấp liên tục với dòng 25A trước khi điện áp giảm còn 10,5V.
>> Lời khuyên từ G7Auto: Tùy vào lượng phụ tải được lắp đặt trên xe mà bạn hãy cân nhắc ắc quy có RC phù hợp. Khi mua một bình ắc quy mới thì việc đánh giá các thông số CCA và RC sẽ phụ thuộc vào khí hậu của vùng bạn đang sống, với các vùng khí hậu nóng như Sài Gòn thì RC quan trọng hơn CCA, ngược lại ở miền Bắc và các vùng núi phía Bắc có khí hậu rất lạnh vào mùa Đông thì CCA sẽ là thông số quan trọng hơn.
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.